Liên Minh Hợp Tác Xã Quảng Bình

http://lienminhhtxqb.org.vn


CHỈ THỊ SỐ 12-CT/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế tập thể

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế tập thể

              Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX), Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 02/01/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng,Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 07/2/2003 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập ngày càng nhiều. Các hợp tác xã chuyển đổi được củng cố một bước cả về tổ chức, phương thức quản lý và vốn hoạt động; chất lượng dịch vụ hỗ trợ kinh tế hộ phát triển đúng hướng, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
             Tuy nhiên, hoạt động kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Quy mô hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhỏ, tăng trưởng chậm, chưa vững chắc; nguồn vốn cho hoạt động kinh tế tập thể còn khó khăn; cơ sở vật chất còn yếu kém, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế nhiều mặt. Một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sau chuyển đổi chưa thực sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức sản xuất, kinh doanh còn lúng túng, chưa làm tốt dịch vụ đầu ra cho hộ xã viên; chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã còn thấp, lợi ích kinh tế - xã hội mang lại cho xã viên, thành viên và người lao động chưa nhiều; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa cao.
              Những hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể nêu trên do nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan là lực lượng sản xuất chưa phát triển  thì nguyên nhân chính vẫn là do một số cấp uỷ đảng, chính quyền nhận thức chưa thật đầy đủ về vai trò, vị trí của hợp tác xã và kinh tế tập thể trong cơ chế mới; thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với phát triển kinh tế tập thể. Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa khuyến khích được phát triển kinh tế tập thể. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận nhân dân, xã viên, người lao động trong khu vực kinh tế tập thể về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế; thậm chí còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
              Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
             1. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền về phát triển kinh tế tập thể, phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tổ chức điều tra, khảo sát và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 07/2/2003 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể để đánh giá đúng thực trạng kinh tế tập thể trong tỉnh, trên cơ sở đó đề ra giải pháp, kế hoạch tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục xây dựng, phát triển, củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã;  tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến và tăng cường công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong hợp tác xã làm hạt nhân lãnh đạo xây dựng hợp tác xã vững mạnh về mọi mặt; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã ở các địa bàn, lĩnh vực có lợi thế.
             2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX), Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật Hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể của Nhà nước đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế và nhân dân, trước hết là những cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cho xã viên, người lao động trong các tổ hợp tác, hợp tác xã.
             3. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng và thực hiện  chương trình giám sát việc thi hành Luật Hợp tác xã và các chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
              4. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hằng năm và 5 năm; tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách hằng năm và 5 năm của cấp mình; chỉ đạo xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2012 - 2016, đồng thời nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh; tổ chức thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể của Trung ương và địa phương đã ban hành; tiếp tục quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Liên minh hợp tác xã tỉnh và đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn trợ giúp cho kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
             5. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh xây dựng các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền một cách thường xuyên, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về xây dựng, phát triển kinh tế tập thể.
             6. Mặt trận và đoàn thể các cấp tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, thành viên của tổ chức mình tham gia xây dựng phát triển kinh tế tập thể.
             7. Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp các ban và Văn phòng Tỉnh uỷ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
       Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.
                                                                                                                                                                                                                               TM/BAN THƯƠNG VỤ

                                                                                                                                                                                                                                              BÍ THƯ
                                 
                                                                                                                                                                                                                           

                                                                                                                                                                                                                                  Lương Ngọc Bính


Nguồn tin: Tỉnh uỷ Quảng Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây