Liên Minh Hợp Tác Xã Quảng Bình

http://lienminhhtxqb.org.vn


Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác

Từ việc hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành, hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch ngày càng khởi sắc, tạo ra lượng hàng hóa dồi dào, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
      Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết: "Thời gian qua, huyện Bố Trạch luôn chú trọng triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, vì vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện đã có thêm 2 HTX đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp, 8 HTX đăng ký nhu cầu hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, chế biến sản phẩm.     
 
      Trên địa bàn huyện hiện có 21 HTX đang hoạt động với 339 thành viên. Bố Trạch cũng có 150 THT được thành lập, hoạt động trên các lĩnh vực, như: khai thác, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, ngành nghề nông thôn... Các HTX, THT thành lập đã giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động nông thôn với mức thu nhập tương đối ổn định.
 
      Các HTX nông nghiệp và một số THT, HTX khác đã từng bước đa dạng hóa hoạt động sản xuất-kinh doanh, hình thành liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Các HTX hoạt động hiệu quả, chủ động tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) bằng việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ứng dụng khoa học-kỹ thuật.
 
      Đi đầu trong phát triển các sản phẩm sạch và xây dựng thương hiệu OCOP là HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, HTX dược liệu và kinh doanh nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm (gọi tắt HTX dược liệu Cự Nẫm), HTX sản xuất nông nghiệp An Nông, HTX rau sạch Dũng Na...
 
      Từ những ngày đầu gian khó với đồng vốn ít ỏi, diện tích canh tác nhỏ, được sự trợ giúp, hướng dẫn, tạo điều kiện của các cấp, ngành và huyện Bố Trạch, chị Nguyễn Thị Giang và anh Nguyễn Thanh Bình ở thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm đã thành lập HTX dược liệu Cự Nẫm chuyên trồng và chế biến các loại dược liệu, như: cao cà gai leo, cao thìa canh, tinh nghệ mật ong... “Đến nay, qua 4 năm xây dựng và phát triển, HTX dược liệu Cự Nẫm đã mở rộng diện tích, liên kết với nhiều hộ dân trồng cây dược liệu trên địa bàn xã và các xã lân cận với diện tích 8ha cà gai leo, 2ha thìa canh, 3ha chè vằng; xuất bán ra thị trường hàng nghìn lít cao; giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động thời vụ, gián tiếp. Cao cà gai leo do HTX sản xuất là sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng, người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã”, chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX dược liệu Cự Nẫm chia sẻ. 
Tương tự, xã Đồng Trạch trước đây là một trong những xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Sau những trăn trở, tìm hướng đi phù hợp, đến nay, người dân trên địa bàn đã có cuộc sống ổn định, Đồng Trạch cũng trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, nhờ có tiềm năng đất đai dồi dào, người dân đã chủ động đầu tư sản xuất, trồng rau xanh các loại, cho thu nhập khá.
 
       Từ thế mạnh của địa phương, xã cũng vận động một số hộ gia đình tham gia, đầu tư vốn thực hiện mô hình trồng rau an toàn, tiến tới thành lập HTX trồng rau sạch. HTX sẽ tổ chức liên kết các đầu mối để tiêu thụ một khối lượng lớn sản phẩm rau sạch, cung cấp cho thị trường rộng lớn, ổn định đầu ra để bà con yên tâm sản xuất.
 
       Qua trò chuyện với ông Dương Văn Sánh, Giám đốc HTX rau sạch Dũng Na (xã Đồng Trạch), được biết, thành lập từ năm 2018, HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động, mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
 
       Bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã đầu tư gần 600 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất mở rộng mô hình trồng rau, củ, quả sạch. Với 1,5ha đất, mỗi ngày HTX thu hoạch từ 3-5 tạ rau sạch (được cơ quan chức năng kiểm định) xuất bán cho các đầu mối của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
 
      Theo đánh giá chung của huyện Bố Trạch, bên cạnh những ưu điểm, mô hình HTX còn có những hạn chế, như: nhiều địa phương thiếu chủ động xây dựng phương án phát triển HTX; các HTX chưa chủ động xây dựng mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhiều HTX còn thiếu vốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất, kỹ thuật...
 
        “Vì vậy, cùng với tăng cường hỗ trợ khả năng tiếp cận tín dụng cho HTX, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa HTX với các thành phần kinh tế khác, thời gian tới, Bố Trạch chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các chương trình: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Huyện cũng triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX; trong đó, ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, Bố Trạch sẽ hỗ trợ thúc đẩy việc thành lập mới các HTX, THT, tạo nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho phát kinh tế-xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho hay.
 

Tác giả bài viết: H.Tr

Nguồn tin: Báo điện tử Quảng Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây