Hiệu quả từ mô hình liên kết chăn nuôi
- Thứ tư - 08/01/2014 21:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Men theo con đường nhỏ, đi sâu vào bên trong, chúng tôi ngỡ ngàng trước các mô hình trang trại tổng hợp được đầu tư xây dựng quy mô khép kín. Chuồng trại đều sử dụng hệ thống phun mưa trên mái tự động nhằm chống nắng bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi. Hệ thống xử lý chất thải (hầm biogas) thiết kế đảm bảo xử lý tuyệt đối, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Dẫn tôi đi thăm trang trại, ông Hoàng Quang Lộc, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hoàng Long- cũng là hộ chăn nuôi có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề giới thiệu với tôi: Đây là 100m2 chuồng trại của gia đình đang được đầu tư xây dựng để triển khai thí điểm mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học bằng mùn cưa của Sở Khoa học và Công nghệ trong đó có khoảng 60m2 diện tích đệm lót sinh học, tương đương với 40 con lợn thịt. Với ưu điểm "4 không": không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho đàn lợn trong quá trình nuôi; nếu mô hình thành công sẽ mở ra hướng chăn nuôi mới theo hướng phát triển bền vững. Còn tất cả khu trang trại này trước kia là thùng lò gạch, xã Nguyệt Đức có chủ trương cho các hộ đấu thầu làm trang trại VAC nhưng không ai dám làm, tôi và một số anh em đã mạnh dạn đứng ra nhận đấu, phải mất mấy năm mới cải tạo và quy hoạch thành khu trang trại chăn nuôi tổng hợp như hiện nay.
Với diện tích trang trại 9.000m2 của gia đình, trong đó 1,7 mẫu là ao, gia đình ông Lộc đã đầu tư nuôi những giống cá có năng suất cao: trắm, trôi, mè, chim... mỗi năm cho thu từ 6-7 tấn cá, thu lãi 50-60 triệu đồng; trên bờ các khu chuồng trại nuôi lợn (khoảng 1.000m2) được xây dựng bài bản và chia thành nhiều phân trại nhỏ theo mô hình khép kín. Chuồng trại có hệ thống phun nước trên mái vào mùa nóng, che gió vào mùa lạnh và được chia làm nhiều khu riêng biệt phù hợp với từng loại lợn. Chất thải từ chăn nuôi đều được xử lý bằng công nghệ biogas, đảm bảo môi trường, tận dụng khí ga thắp sáng và sưởi ấm cho vật nuôi. Xung quanh trang trại là các quy trình phòng bệnh truyền nhiễm bằng thuốc và vắc xin cho GSGC được ông Lộc dán ở những vị trí rất thuận lợi. Hiện nay, gia đình ông nuôi trên 40 lợn nái, 270 lợn thịt, 500 vịt đẻ. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng.
Theo ông Lộc, trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi theo hướng trang trại ở xã Nguyệt Đức phát triển mạnh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của xã. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi chưa có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong các khâu để giảm chi phí, tiết kiệm nhân công, trong khi đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá con giống và thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Để phát huy thế mạnh của địa phương, tạo được sức bật cho chăn nuôi, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Lộc đã vận động các chủ trang trại, hộ chăn nuôi, đại lý thức ăn chăn nuôi thành lập HTX chăn nuôi Hoàng Long. Với phương châm hoạt động liên kết các hộ chăn nuôi vào một tập thể để sản xuất hàng hóa, giúp nhau phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ KHKT về con giống, thức ăn, đối phó dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, ngay từ khi thành lập (23/5/2012) HTX đã thu hút được 11 hộ xã viên là các chủ trang trại, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi tham gia. Đến nay, HTX đã phát triển với quy mô trang trại lên tới 240 lợn nái ngoại, 10 con đực giống, 1.700 con lợn thịt. Nhờ nắm bắt được khoa học kỹ thuật cũng như chủ động phòng trừ các loại dịch bênh, hàng năm, HTX cung cấp cho thị trường 45 tấn thịt lợn hơi, 10 tấn cá, 200.000 quả trứng vịt, 10 tấn gà, vịt. Các hộ xã viên vừa trực tiếp tham gia chăn nuôi, vừa tạo công ăn việc làm cho gần 40 lao động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lộc cho biết: Các chủ trang trại tham gia HTX ngoài việc được hạ giá thành về thức ăn, thuốc thú y do HTX đứng ra mua trực tiếp với nhà máy sản xuất thì các xã viên HTX còn thường xuyên được cập nhật những thông tin mới nhất có liên quan đến tình hình dịch bệnh, giá cả, đầu ra cho sản phẩm... qua đó đã hạ thấp được tỷ lệ rủi ro trong chăn nuôi. Không chỉ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong chăn nuôi, mà xã viên HTX còn thường xuyên quan tâm đến đời sống tinh thần của nhau; thăm hỏi động viên lúc đau ốm, cũng như trích quỹ phúc lợi của HTX hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, HTX còn tích cực tham gia các hoạt động như ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, cùng các chương trình khác do các tổ chức đoàn thể ở địa phương phát động, vì vậy đã tạo được lòng tin và gắn kết các xã viên với nhau, qua đó họ yên tâm gắn bó với HTX. Trong thời tới, HTX chăn nuôi Hoàng Long mong muốn các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho HTX được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tập huấn chuyển giao KHKT; thị trường tiêu thụ sản phẩm...đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và nâng cao đời sống cho xã viên.
Có thể khẳng định, mô hình liên kết chăn nuôi ở HTX chăn nuôi Hoàng Long đã mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Đây chính là tiền đề quan trọng để hướng tới ngành chăn nuôi phát triển bền vững.