Những số liệu trên mặc dù chưa được Chính phủ chính thức thông qua nhưng cũng có thể xem là một tín hiệu vui đối với gần 9.000 HTX và gần 100 ngàn tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn cả nước. Bởi tính đến nay, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết triệt để nhưng với việc ban hành Nghị định 193/2013/NĐ-CP (NĐ 193), có hiệu lực từ ngày 27/1/2014, Chính phủ đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của việc phát triển các HTX, đồng thời dành sự ưu đãi đặc biệt đối với các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực "tam nông".
Nhìn vào thực tế có thể thấy, nhiều năm nay nguyên nhân khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng là do thiếu vốn và chưa có nhân lực chuyên trách. Theo thống kê năm 2011 của Liên minh HTX Việt Nam, trong tổng số hơn 8.500 HTX nông nghiệp trên địa bàn cả nước thì có tới gần 6.100 HTX hoạt động ở mức trung bình và yếu kém.
Nguồn vốn hoạt động của các HTX chỉ có khoảng 996 triệu đồng và lãi bình quân chỉ đạt 60-70 triệu đồng/HTX/năm. Hầu hết các HTX vướng vào tình trạng nguồn vốn quá mỏng, trong khi đó tài sản thế chấp và phương án sản xuất kinh doanh cũng thường không đủ lớn và đủ sức thuyết phục để các TCTD giải ngân cho vay. Vì thế ngay cả khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì sau hơn 3 năm cũng có ít HTX nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ.
Nhiều HTX nông nghiệp ở các địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau khi xây dựng thành công các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP cũng lâm vào tình trạng cạn vốn và phải chấp nhận ngưng hoạt động để xã viên chuyển ra ngoài làm ăn riêng lẻ.
Tuy nhiên, với việc ban hành NĐ 193 vừa qua, những nút thắt về vốn và nhân lực cho HTX nông nghiệp bắt đầu đã được quan tâm, tháo gỡ. Cụ thể, theo những quy định tại điều 24 và 25 của Nghị định, các HTX nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo chính quy về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ chủ chốt. Song song đó, tất cả các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế... cũng sẽ được Nhà nước dành các khoản tín dụng hỗ trợ.
Khoản hỗ trợ này, theo dự thảo Chương trình Hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2013-2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là khoản hỗ trợ lớn nhất - khoảng hơn 5.800 tỷ đồng, trong 5 năm. Như vậy có thể thấy rằng, hạ tầng và công nghệ chế biến sản phẩm nông sản của các HTX nông nghiệp đang là mối quan tâm lớn được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đẩy mạnh thực hiện.
Một điểm mới đáng chú ý khác là trong NĐ 193, những nội dung liên quan đến việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập DN của các HTX được Chính phủ quy định rất cụ thể. Theo đó, các HTX sẽ được dành tối đa 50% vốn điều lệ của mình để đầu tư góp vốn, mua cổ phần, thành lập DN. Như vậy, nếu làm ăn có hiệu quả các HTX nông nghiệp có thể chuyển thành những "công ty cổ phần" đa ngành nghề. Dưới HTX sẽ có các đơn vị trực thuộc như trung tâm dịch vụ, chuyên sửa chữa, cung ứng dịch vụ máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật...
Việc làm này sẽ hình thành các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, thay thế các HTX truyền thống để chuyên sâu vào các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đây cũng chính là chìa khóa để tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra hiệu quả thiết thực cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong các năm tới.
Nguồn tin: Theo Thời Báo Ngân Hàng
Những tin cũ hơn
Chỉ thị về việc tăng cường vai trò của các sở, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế tập thể và mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 03/08/2022
Thông tư 124/2021/TT-BTC Hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025
Ngày đăng: 13/06/2022
tình hình hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký, tổ chức lại theo Luật
Ngày đăng: 08/06/2022