Như chúng ta biết, ngày 07/5/2018, Việt Nam chính thức ban hành chính sách tổng thể cấp quốc gia về Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 01/8/2022, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được ban hành kèm theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương.
Đại biểu Trần Hoàng Kim Dung thảo luận tại Hội trường
Tại Quảng Bình, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 3839/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 Quyết định phê duyệt đề án “ Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Ngày 16/8/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 1563/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu đặt ra là: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với các ngành nghề, dịch vụ có lợi thế nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, phát huy sự tham gia của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và cộng đồng, đặc biệt là vai trò của cấp xã trong triển khai Chương trình OCOP; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm OCOP gắn với khai thác các lợi thế về nguyên liệu địa phương, bảo tồn các giá trị văn hoá, cảnh quan và môi trường nông thôn; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.
Sau 6 năm thực hiện Chương trình OCOP, số sản phẩm tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP tại tỉnh ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng… Nhiều sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh xuất xứ và chủ thể sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra sản phẩm.
Theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Bình, đến 31/5/2024 toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn (tăng 111 sản phẩm so với năm 2020), 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (tăng 84 sản phẩm so với năm 2020). Có 107 chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 58 HTX, 21 Doanh nghiệp, 28 hộ kinh doanh cá thể. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tiếp tục được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, dự kiến thời gian tới sẽ có 3-5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Sản phẩm OCOP có sức tiêu thụ tốt, nên được nhiều doanh nghiệp thương mại, siêu thị lớn đặt hàng đưa vào hệ thống phân phối ổn định. Sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều vì được khách hàng tin dùng. Cùng với đó, để đảm bảo lợi ích, các tổ chức thương mại cũng ưu tiên đặt hàng tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể OCOP.
Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao như: sản phẩm nước mắm, mực khô của HTX SXKD DV CB thủy sản Long Tám, xã Bảo Ninh, tp Đồng Hới; sản phẩm đũa gỗ Quảng Thủy của HTX SXKD thương mại đũa gỗ Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn; sản phẩm cá bờm trắng, tôm khô, mực khô xé sợi của HTX SX, MB, CB thủy sản Vương Đoàn, huyện Quảng Ninh; sản phẩm trà thảo mộc rau má Tuấn Linh, trà nấm Linh chi Tuấn Linh, nước mắm chay Tuấn Linh… của HTX SX nấm sạch và KDNN Tuấn Linh, huyện Bố Trạch. V.v…
Các sản phẩm OCOP trong tỉnh đều gia tăng giá trị, giúp chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh thu, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và xã hội. Đã và đang hình thành nhiều vùng nguyên liệu OCOP cùng với phát triển đa dạng sản phẩm hàng hóa góp phần phục vụ phát triển du lịch của các địa phương, như: ẩm thực, chữa bệnh, làm đẹp, hàng tiêu dùng, quà lưu niệm…Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP cũng tạo ra việc làm ổn định, giảm tỷ lệ lao động từ nông thôn lên thành phố tìm kiếm việc làm, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát huy giá trị văn hóa địa phương thông qua các sản phẩm đặc sản gắn với truyền thống của mỗi xã…
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, chương trình sản phẩm OCOP tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện. Tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình với nông dân năm 2024 được tổ chức vào ngày 27/9/2024, đã có nhiều câu hỏi liên quan đến việc xây dựng sản phẩm OCOP tại tỉnh Quảng Bình, đặc biệt nhấn mạnh bất cập, tồn tại cần giải quyết. Các khó khăn tồn tại như sau:
Thứ nhất, hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai.
Thứ hai, sự thiếu hụt nguyên liệu và vốn cho sản xuất cũng là rào cản lớn. Không ít Hợp tác xã, doanh nghiệp cần đầu tư phòng thí nghiệm và thiết bị hiện đại nhưng gặp khó khăn trong huy động nguồn tài chính cần thiết. Bên cạnh đó, một số sản phẩm OCOP đã hết hạn chứng nhận nhưng không được làm hồ sơ đăng ký lại do ngại tốn công sức và chi phí.
Thứ ba, công tác tuyên truyền về chương trình OCOP chưa được đẩy mạnh, nhận thức của người dân và các chủ thể sản xuất về OCOP còn hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến sự tham gia tích cực của mọi thành phần trong xã hội để xây dựng chương trình OCOP một cách hiệu quả.
Thứ tư, trình độ lao động, cơ sở hạ tầng sản xuất chưa bắt kịp với thời đại công nghệ số, nên năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm OCOP còn khá cao. Đây là một trở ngại lớn trong việc tạo sự hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng và cũng là nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác trong và ngoài nước.
Thứ năm, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương quan tâm triển khai nhưng thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP, chưa trở thành giải pháp hỗ trợ tích cực, tạo động lực cho các chủ thể tham gia vào chương trình.
Để phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tỉnh Quảng Bình, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi những điểm chưa hợp lý trong các văn bản, đặc biệt là Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Rà soát, ban hành nội dung, mức hỗ trợ Chương trình OCOP theo từng hạng sao.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thực hiện Chương trình OCOP với những hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông hiện đại, gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới để tuyên truyền sâu rộng đến các chủ thể, doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác triển khai Chương trình OCOP và chất lượng công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thành viên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.
Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thương mại điện tử. Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, phân phối tại nhiều hệ thống siêu thị lớn ở các tỉnh, thành phố trong nước (như hệ thống các siêu thị Vinmart, Coop max…), cùng các sàn thương mại điện tử uy tín hiện nay và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Thực hiện hoạt động kết nối cung – cầu cho các sản phẩm OCOP gắn với tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, hướng tới tìm kiếm thị trường tiềm năng thông qua các hoạt động như tổ chức, tham gia các sự kiện lễ hội, hội chợ, triển lãm...
Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã và đang mang lại những hiệu quả rõ nét với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc địa phương, tạo giá trị gia tăng; những sản phẩm OCOP đang dần khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường không chỉ đối với người tiêu dùng Quảng Bình mà còn khắp cả nước và nước ngoài. Hy vọng thời gian tới được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, sự chung tay của các cấp, ngành, Chương trình sản phẩm OCOP tại Quảng Bình ngày càng phát triển, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
(Bài phát biểu thảo luận của đại biểu Trần Hoàng Kim Dung,
Tổ đại biểu thành phố Đồng Hới tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII)