Theo Điều tra tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình nông thôn Việt Nam (VARHS) năm 2012, kinh tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, tuy vậy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, cần có hệ thống chính sách đồng bộ để giải quyết.
Theo GS.Finn Tarp, Trường Đại học tổng hợp Copenhagen, cuộc điều tra được thực hiện đối với 3.700 hộ trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Hà Tây cũ, Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Long An). Báo cáo VARHS 2012 tiếp tục tập trung vào các vấn đề như hoạt động tạp thu nhập, quan hệ đất đai, thị trường tài chính, đối phó với rủi ro và vốn xã hội. Bên cạnh đó, báo cáo cũng có thêm nội dung mới về an ninh lương thực, hộ kinh doanh cá thể, di cư và tiền gửi về, các khía cạnh xã hội của phát triển như tội phạm, niềm tin và hạnh phúc.
Về vấn đề nghèo đói, mức sống và an ninh lương thực, các kết quả chính cho thấy, các tỉnh vùng núi như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên thụt lùi hơn các tỉnh khác ở tiêu chí quan trọng như xóa đói giảm nghèo, tiếp cận dịch vụ, giáo dục và an ninh lương thực. Có sự khác biệt về an ninh lương thực và tiêu thụ protein ở các tỉnh. Các hộ ở Tây Nguyên tiêu thụ trung bình nhiều hơn một loại lương thực thực phẩm (LTTP) so với các hộ ở các tỉnh phía Bắc; chỉ số đa dạng thực phẩm ở Lai Châu và Lào Cai có xu hướng giảm, từ 2,5 loại LTTP năm 2010 xuống còn 1,1 loại LTTP vào năm 2012.
Trong vấn đề lao động và thu nhập, các hộ có xu hướng tìm đến các cách thức tìm kiếm việc làm chính thức và phi chính thức ở bên ngoài hộ gia đình. Trong số các hoạt động tạo thu nhập, có khoảng 24% là từ các hoạt động được trả lương/công. Thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp và ngoài kinh doanh hộ gia đình đóng góp khoảng 30 – 40% trung bìn thu nhập ròng tại hầu hết các tỉnh. Điều này cho thấy, đang có sự chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp.
Về vấn đề đất đai, điều tra cho thấy, tỷ lệ các hộ không có đất rất khác nhau ở các tỉnh. Tỷ lệ này ở các tỉnh miền Nam cao hơn nhiều so với các tỉn miền Bắc. Tình trạng không có đất không nhất thiết là bằng chứng của nghèo đói, vì các hộ giàu hơn đang bán dần đất đai và chuyển sang các khu vực kinh tế khác. Có một đặc điểm dễ thấy nữa là diện tích đất nông nghiệp của các địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ số mảnh trên hộ gia đình nhiều, có hộ lên tới 20 mảnh. Theo ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), điều này làm cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, trong khi đó quá trình dồn điền đổi thửa sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn nếu không thay đổi cấu trúc sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo báo cáo này thì các tỉnh vùng núi phía Bắc có mức độ thương mại hóa thấp hơn các tỉnh phía Nam. Xu hướng giảm tỷ trọng các hộ trồng trọt tiếp diễn từ năm 2010 đến năm 2012, với mức giảm 3%, trong khi hoạt động chăn nuôi lại phát triển. Trong năm 2012, có đến 2/3 số hộ trong diện điều tra có hoạt động chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản.
Các hộ nghèo ở các tỉnh phía Bắc chủ yếu chăn nuôi cho tiêu thụ gia đình, trong khi các hộ giàu hơn ở phía Nam có các trang trại lớn và mức độ thương mại lớn hơn. Có sự gia tăng tỷ lệ các đàn lợn được tiêm phòng vắc-xin, từ 23% năm 2008 lên 41,5% năm 2012. Mặc dù vậy, việc tiếp cận các nguồn lực cần thiết khác cho hoạt động chăn nuôi lại tương đối hạn chế, bao gồm lao động, vốn và dịch vụ khuyến nông của nhà nước. Trung bình có 1,75% số hộ thuê thêm lao động cho chăn nuôi, 12,2% vay tiền và 5,3% hộ sử dụng dịch vụ kỹ thuật từ các tổ chức của chính phủ hoặc phi chính phủ.
Báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro mà các hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Giá trị thiệt hại trung bình trong một năm của các hộ trong cuộc điều tra năm 2012 là 8 triệu đồng, có sự khác biệt lớn ở các tỉnh, tỉnh có thiệt hại lớn hơn cả là Khánh Hòa (17,5 triệu đồng) và Hà Tây cũ (11 triệu đồng).
Hầu hết các hộ sử dụng cơ chế tự thân, hoặc không làm gì cả, giảm chi tiêu, sử dụng tài sản, tiết kiệm để đối phó với rủi ro. Trong các cơ chế phi chính thức, các hộ chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của người thân và bạn bè (khoảng 10%). Khoảng 90% hộ có sở hữu một loại bảo hiểm nào đó, nhưng phổ biến là các loại bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo và trẻ em.
Trên cơ sở những phân tích VARHS 2012 chỉ ra rằng, trong quá trình thay đổi cấu trúc ở các nền kinh tế tăng trưởng nhanh, việc phân bổ lại đất đai là rất cần thiết. Nhà nước cũng nên tiếp tục ưu tiên cho phát triển khu vực miền núi, thông qua các chương trình đầu tư vào nguồn nhân lực (y tế và giáo dục) và đầu tư vào hệ thống hạ tầng để giúp người dân nơi đây tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp nhờ cải thiện tiếp cận thị trường cho hàng hóa, lao động và vốn.
Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét lại các quy định đối với di cư nội địa để giúp người di cư có thể tận dụng tốt hơn cơ hội kinh tế ở những nơi khác.
Theo ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng CIEM, trong tương lai VARHS sẽ tiếp tục thu thập số liệu và phân tích các vấn đề phát triển ở khu vực nông thôn Việt Nam. Các thông tin thu được có thể hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng và xóa bỏ các cản trở đối với phúc lợi của hộ gia đình ở các nhóm dân tộc thiểu số, nhóm dễ tổn thương ở khu vực nông thôn, những nhóm đã không được hưởng đầy đủ lợi ích của tăng trưởng như nhiều khu vực khác.