Ông Lê Văn Hồng, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thanh Trạch 1 chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX chính là nguồn vốn. Cả hai tàu có công suất không đủ lớn, lại đóng đã lâu, nhiều bộ phận, máy móc dễ hỏng hóc, chính vì vậy, mặc dù tàu có thể chở được 20 tấn cá, nhưng mới chở từ 16-18 tấn là tàu đã khó khăn khi đi lại, đặc biệt gặp thời tiết xấu. Cho nên, để đánh bắt cá xa bờ lâu dài, tàu rất cần được cải hoán và sửa chữa, làm mới.
Thiếu nguồn vốn, việc đóng mới, cải hoán tàu cá trở nên rất khó khăn đối với các hợp tác xã thủy sản ở tỉnh ta.
Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân hàng rất khó tiếp cận với bà con, bởi đòi hỏi phải có thế chấp, trong khi HTX lại không có tài sản cố định nào. Giải pháp tình thế là lấy sổ đỏ của chính các xã viên để thế chấp vay vốn và bán một trong hai chiếc tàu. Ông Lê Văn Hồng cho biết, vừa qua, HTX đã bán một chiếc tàu và vay mượn thêm vốn để vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới sẽ tiến hành làm mới lại tàu, đủ sức bám biển dài lâu. Cũng vì thiếu nguồn vốn mà một HTX bề thế như HTX đánh bắt hải sản Liên Hoà (Quảng Trung, Quảng Trạch) với 15 tàu công suất lớn từ 300-500 CV và một số tàu thuyền các loại khác, sau 4 năm triển khai cũng đành “nằm im” đóng băng mọi hoạt động.
Một khó khăn nữa không phải chỉ diễn ra ở HTX Thủy sản Thanh Trạch 1 mà ở các HTX khác, đó là thiếu nguồn lao động. Ông Lê Văn Hồng, kiêm Trưởng thôn Thanh Hải tâm sự, thôn có 207 hộ, thì có tới hơn 200 thanh niên đi nước ngoài kiếm sống. Thu nhập từ nghề cá không đủ hấp dẫn, lại vất vả, hiểm nguy, người này nối tiếp người khác, lớp thanh niên trẻ khỏe dần dần xao lãng nghề cá truyền thống của quê hương. Nhân lực đã thiếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm lại thường xuyên gặp sự ép giá của tư thương.
Nhiều trường hợp, theo thỏa thuận, tàu đã về bến, cá đã đầy khoang, nhưng tư thương vẫn sử dụng nhiều “chiêu trò” để ép giá, như: tùy thuộc số lượng cá ít nhiều để trả giá cao thấp, phân loại cá không đúng chất lượng để dễ bề ép giá... Những nguyên nhân trên đã khiến các HTX càng thêm gian nan trong hành trình tồn tại. Thanh Trạch trước đây cũng có một HTX thủy sản nữa, nhưng giờ đã giải thể do hoạt động kém hiệu quả.
Xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) có gần 400 tàu đánh bắt cá với hơn 60% dân số làm nghề biển vậy mà toàn xã không có một HTX thủy sản nào. Trên thực tế, xã vẫn có HTX Thủy sản Nhật Lệ II, nhưng mọi hoạt động chỉ còn trên danh nghĩa giấy tờ. Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh lý giải, bà con không mặn mà với mô hình HTX bởi họ cho rằng HTX đòi hỏi khâu quản lý, thủ tục rườm rà, phức tạp. Trong khi, với hình thức đánh bắt theo kiểu từng hộ gia đình, bà con sẽ dễ dàng hơn trong phân chia lợi ích kinh tế, cũng như thuận tiện hơn trong nhiều hoạt động. Đó là lý do vì sao mô hình tổ đoàn kết, tổ hợp tác được ưa chuộng hơn.
Tác giả bài viết: Mai Nhân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chỉ thị về việc tăng cường vai trò của các sở, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế tập thể và mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 03/08/2022
Thông tư 124/2021/TT-BTC Hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025
Ngày đăng: 13/06/2022
tình hình hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký, tổ chức lại theo Luật
Ngày đăng: 08/06/2022